Chiều ngày 12/5/2023, Hội thảo “Điện ảnh Nhật Bản – Kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác sản xuất với Việt Nam” được tổ chức tại Đà Nẵng, trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng lần thứ I, đồng thời hướng tới 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản và Việt Nam.
Thông qua Hội thảo, những nhà làm điện ảnh cùng giới mộ điệu đã có cái nhìn tổng quan sâu sắc về kinh nghiệm thành công của điện ảnh Nhật Bản, cũng như nhìn lại quá trình hợp tác sản xuất phim giữa điện ảnh Nhật Bản và điện ảnh Việt Nam, từ đó tìm ra những tiềm năng và xu hướng hợp tác giữa doanh nghiệp điện ảnh và đặc biệt là doanh nghiệp hoạt hình.
TGĐA xin gửi tới bạn đọc những diễn biến chính trong Hội thảo “Điện ảnh Nhật Bản – Kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác với Việt Nam”, rất mong được quý độc giả quan tâm và bày tỏ ý kiến:
PHIÊN 1: ĐIỆN ẢNH NHẬT BẢN: KINH NGHIỆM & THÀNH CÔNG
Với sự điều phối của ông Phillip Cheah – Nhà phê bình điện ảnh Singapore, Nguyên Giám đốc LHP Singapore, Nguyên đồng Chủ tịch NETPAC, phần mở đầu đã giới thiệu một cách khái quát về điện ảnh Nhật, cùng với đó là những kinh nghiệm thành công tại LHP và trên thị trường:
Đằng sau những tác phẩm “gây bão” thế giới
Bà Anne Demy Geroe – Đồng chủ tịch NETPAC với kinh nghiêm lâu năm trong việc tập trung phát triển điện ảnh châu Á, đã dẫn chứng ra trường hợp thuyết phục từ đạo diễn Hirokazu Kore-eda, của bộ phim Shoplifters từng đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes. Shoplifters với câu chuyện dung dị, nhẹ nhàng nhưng vô cùng thấm thía dường như đã là đặc trưng của điện ảnh Nhật.
Tuy vậy, sự thành công của Hirokazu Kore-eda nói riêng và điện ảnh Nhật nói chung tiếp tục được “thăng hoa”, khi vị đạo diễn làm ra bộ phim Broker hợp tác với Hàn Quốc. Phim đã được bán bản quyền tới hơn 160 quốc gia, chiếu tại Cannes, doanh thu tại Hàn Quốc là 9,6 triệu USD là 5 triệu USD tại Nhật Bản. Từ đó chúng ta có thể thấy, Nhật Bản không chỉ làm rạng danh điện ảnh nước họ, mà còn biết lan tỏa ra ngoài khu vực bằng việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Nên nhớ Broker trong đợt trình chiếu tại Việt Nam vào tháng 6/2022 đã được đón nhận đông đảo tại nơi có thị trường vốn thường không “ủng hộ” dòng phim nghệ thuật.
Nhắc đến điện ảnh Nhật, dĩ nhiên phim hoạt hình chính là “bản sắc” riêng của họ, đặc biệt là thể loại Anime. Tuy vậy, đằng sau những sản phẩm đặc trưng đó, nhà làm phim vẫn cài cắm nhiều thông điệp ngoại giao “mềm”. Bà Anne đưa ví dụ từ tác phẩm kinh điển Nausicca (Nàng công chúa thung lũng gió) của nhà làm phim “huyền thoại” Hayao Miyazaki. Tuy mang đề tài kỳ ảo nhưng Nausicca đem đến thông điệp thiết thực về môi trường, phù hợp với suy nghĩ chung của nhiều đất nước.
Đây là cách làm không còn phổ biến trên thế giới. Như phim Moana do Disney sản xuất, nhà “Chuột” không đơn thuần làm phim hoạt hình phục vụ trẻ em, mà thông điệp nữ quyền ẩn dấu trong Moana có thể thu hút bất cứ đối tượng người xem nào.
Kết thúc bài phát biểu, bà Anne Demy Geroe đưa ra lời động viên và khích lệ to lớn dành cho điện ảnh Việt, bởi đất nước hình chữ S bắt đầu có những bước đi được quốc tế ghi nhận. Gần đây chính là trường hợp của tác phẩm Những đứa trẻ trong sương (đạo diễn Hà Lệ Diễm), lọt vào top 15 phim tranh giải Oscar 2023.
Mạnh dạn đi tìm sự trợ giúp!
Đạo diễn Phan Đăng Di, thành viên BGK Giải thưởng phim châu Á cũng đã có mặt và đưa ra góc nhìn riêng. Với kinh nghiệm hỗ trợ và “tiếp lửa” cho nhiều nhà làm phim trẻ ra nước ngoài gọi vốn, anh khẳng định: “Hợp tác làm phim với nước ngoài không hề khó như chúng ta nghĩ, bởi Việt Nam đem lại rất nhiều tò mò cho bạn bè quốc tế!”.
Đạo diễn Bi, đừng sợ! cho rằng, nhiều phim Việt được đem dự thi LHP nước ngoài, cũng như tìm nguồn vốn đã khiến giới điện ảnh châu Á đặc biệt đánh giá cao, đó là tín hiệu tốt và khởi đầu cho những bước tiến mới trong công cuộc hợp tác với nước ngoài. Anh chia sẻ giai đoạn dịch bệnh bùng phát khiến việc làm phim ngắt quãng, Phan Đăng Di đi tìm sự trợ giúp và được phía đối tác Nhật Bản hỗ trợ rất nhiệt thành, nên anh mong muốn giới làm phim hãy chủ động và mạnh dạn tìm kiếm cơ hội.
Phan Đăng Di có nhắc thêm tới bộ phim Nhắm mắt thấy mùa hè (2018), khi tác phẩm của đạo diễn Cao Thúy Nhi đặt bối cảnh phần lớn ở Nhật Bản và nhận được nhiều sự hỗ trợ lớn của chính quyền nơi đây. Theo tìm hiểu, nhờ có bộ phim, Higashikawa – thị trấn nhỏ thuộc Hokkaido, hòn đảo nằm ở cực Bắc của Nhật Bản đã được rất nhiều khán giả quan tâm và muốn tới đây du lịch.
Một trong những nhân vật được mong chờ nhất là Mayu Nakamura – nữ đạo diễn phim Người thân xa lạ tranh tài tại hạng mục Phim châu Á dự thi. Trong đợt trình chiếu phục vụ khán giả Đà Nẵng, Người thân xa lạ gây ấn tượng mạnh với câu chuyện về người mẹ đơn thân đi tìm kiếm con trai bị mất tích.
Bày tỏ trong buổi Hội thảo, nữ đạo diễn cho rằng, khó khăn của các đạo diễn khi đem phim ra nước ngoài, chắc chắn là nỗi lo khi phim có phù hợp với đời sống văn hóa xã hội của nước đó hay không, thế nên nhiều nước đã tạo ra “cầu nối” để trợ giúp các nhà làm phim, một trong số đó chính là những LHP giống như LHP châu Á Đà nẵng.
Trong một trao đổi ngắn với TGĐA, cá nhân đạo diễn Mayu Nakamura đưa ra nhận định, Nhật Bản đang đứng trước nhiều thách thức, một trong số đó là thiếu đi nhiều nhà làm phim trẻ, nhất là đạo diễn nữ, thế nên điện ảnh Nhật đặt rất cao mục tiêu hợp tác quốc tế với môn nghệ thuật thứ 7 và điều này đã dẫn đến khá nhiều thành công ngoài mong đợi.
PHIÊN 2: HỢP TÁC SẢN XUẤT GIỮA ĐIỆN ẢNH NHẬT BẢN & ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM
Hợp tác với Nhật Bản: Dễ hay khó?
Hai nhân vật nhận khá nhiều chú ý trong Phiên 2 chính là bộ đôi phim Em và Trịnh: đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng nữ diễn viên Nakatani Akari. Vị đạo diễn nhớ lại: “Hồi casting phim Em và Trịnh, tôi cứ nghĩ sẽ rất khó để tìm kiếm diễn viên vào vai nhân vật Michiko, tuy nhiên chúng tôi đã nhận về hơn 100 video casting!”.
Tiếp lời Phan Gia Nhật Linh, nữ diễn viên Nakatani Akari nhớ lại: “Tôi đến Việt Nam từ những năm 2014 – 2015, lúc đó còn đang chưa biết tiếng Việt nhiều, nhưng may mắn được bổ sung vốn tiếng Việt khi sống cùng một gia đình bản địa, nhờ đó tôi hiểu suy nghĩ và cách sống của các bạn. Sau 4 năm, tôi được chọn vào dự án Em và Trịnh. Trước đó, tôi biết có rất nhiều bạn người Nhật yêu thích dự án phim và muốn tham gia casting”.
Về kinh nghiệm hợp tác sản xuất Việt Nam – Nhật Bản, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đưa ra thông tin khá mới, anh có “pitching” dự án phim tài liệu tại Tokyo Documentary Film Fetival (LHP Tài liệu Tokyo), kể về một đội bóng đá người Mông trên Tà Xùa, họ có cuộc sống nhiều biến động giữa nhịp đô thị hóa nhưng vẫn luôn ý thức trách nhiệm bảo tồn văn hóa dân tộc và kiếm sống bằng cách làm trà cổ thụ.
Phim nhận được sự quan tâm của đài truyền hình NHK – Nhật Bản, tuy nhiên lại gặp rất nhiều bước gián đoạn, nhất là giấy phép đầu tư của đơn vị nước ngoài (từ xa) vào Việt Nam. Còn nhớ cũng trong khuôn khổ LHP châu Á Đà Nẵng, Hội thảo “Phát triển Công nghiệp Điện ảnh – Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng” cũng đã chỉ ra không chỉ Nhật Bản mà rất nhiều nước muốn hợp tác với Việt Nam, chỉ là thủ tục rườm rà cản trở cơ hội “lớn” đó.
Trong lần xuất hiện hiếm có, đạo diễn, NSƯT Đặng Tất Bình đưa ý kiến có phần khác biệt. Ông khẳng định: “Với kinh nghiệm từng hợp tác làm phim với nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, tôi chắc chắn về thủ tục giấy tờ, so với những năm 90 về trước, các bạn làm phim hiện giờ thuận lợi hơn chúng tôi rất nhiều lần. Vì thế, các bạn hãy cố gắng chủ động tìm kiếm và nắm bắt cơ hội đến với mình”.
Với kinh nghiệm làm nghề trải dài gần 3 thập kỷ, đạo diễn phim Trăng trên đất khách bày tỏ sự ngưỡng mộ và đề cao việc phải học hỏi sự kỷ luật, tuân thủ “từng phút, từng giây” của giới làm phim Nhật Bản. Với lĩnh vực sản xuất phim, việc tranh thủ thời gian rất quan trọng, bởi chỉ cần trễ tiến độ một chút, rất dễ hao tổn kinh phí. NSƯT Đặng Tất Bình còn bổ sung thêm, người làm phim Nhật Bản có sự tinh thông nghề nghiệp, khi có thể tự mình đảm nhận nhiều vị trí trong một đoàn phim.
Cần có có thêm nhiều mạng lưới sản xuất phim châu Á
Trong Phiên 2 Hội thảo, tâm điểm thuộc về nhà sản xuất Horoyuki Akune, với kinh nghiệm sản xuất và làm phim hơn 30 năm, trong đó có nhiều dự án Hollywood. Ông nói về tiền đề chính để giới làm phim Nhật hướng tới hợp tác quốc tế: “Những tác phẩm của châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng phiên dịch ra tiếng nước ngoài rất ít. Trong thời gian dịch Covid diễn ra, khán giả xem phim ở rạp rất nhiều, không chỉ phim Âu Mỹ mà còn phim châu Á.
Chính vì vậy, tôi rất muốn làm việc với các nhà sáng tạo đa quốc gia và kỳ vọng lập cộng đồng sản xuất phim châu Á để giao lưu. Khi đó, chúng ta sẽ cùng nhau quyết định và thành lập ê-kíp làm phim. Hiện nay, châu Á có dân số đông, độ tuổi trung bình trẻ nên tôi nghĩ mạng lưới này có thể mở rộng hơn trong tương lai”.
Nhà sản xuất người Nhật hiểu rõ thách thức khi lập ra cộng đồng như ý mình muốn, nhất là làm sao để dung hòa yếu tố bản địa nhằm cho ra các sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, thay vì việc cứ lo lắng, ông nghĩ chúng ta nên gặp gỡ và nói chuyện với càng nhiều người càng tốt!
Gần đây, Horoyuki Akiune cùng các đồng nghiệp sản xuất ra series Naked Director bao gồm 2 phần, có nội dung khá nhạy cảm về ngành công nghiệp phim cấp 3 tại Nhật. Ông nhớ lại bộ phim nhận được khá nhiều phản đối khi đưa ra lời mời hợp tác nước ngoài. Dù vậy, Naked Director sau khi được hoàn thành và trình chiếu trên Netflix lại gây sốt toàn cầu.
Ê-kíp của Horoyuki Akiune cũng từng hợp tác với đạo diễn Doug Liman – người đứng sau loạt “bom tấn” đình đám như: Mr. & Mrs. Smith hay Edge of Tomorrow. Vào khoảng năm 2007 – 2008, Doug Liman có quay một cảnh rượt đuổi xe ở đường phố Tokyo ở bộ phim Jumper. Ông Horoyuk mô tả, tuy cảnh phim chỉ diễn ra gần 3 phút nhưng đã xin phép chính quyền 1 tháng để quay, với ê-kíp 80% người Mỹ và 20% người Nhật Bản. Để làm được điều này ông Horoyuki nói rằng, sẽ có một công ty “đặc thù” thuộc chính quyền hỗ trợ đoàn phim nước ngoài để mọi thứ được trơn tru.
PHIÊN 3: TIỀM NĂNG VÀ XU HƯỚNG HỢP TÁC SẢN XUẤT GIỮA HOẠT HÌNH NHẬT BẢN VÀ VIỆT NAM
Nhiều thập kỷ qua, hoạt hình Nhật Bản (Anime) không những đạt thành tựu lớn về thương mại, mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa xứ sở mặt trời mọc và bạn bè quốc tế. Dưới sự điều phối của nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, người tham dự Phiên 3 có dịp được lắng nghe ý kiến thiết thực và quan điểm rõ ràng về xu hướng, năng lực hợp tác của hoạt hình Việt Nam không chỉ với Nhật Bản mà còn với các nước khác.
Giấc mơ hoạt hình 90 phút
Là người đã trải qua thời kỳ hoạt hình Việt còn sơ khai cho tới khi đạt được những bước tiến rõ rệt, NSND Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đưa ra quan điểm: “Tôi từng có cơ hội qua Nhật Bản để học hỏi cách làm phim của họ, mới thấy sự hỗ trợ của chính quyền đóng vai trò rất to lớn. Hiện Việt Nam có phim hoạt hình ngắn thì 10 phút, dài thì 30 phút, nên cá nhân tôi rất mong nhận được sự hợp tác với bạn bè Nhật Bản để Việt Nam có thể hướng tới giấc mơ làm phim hoạt hình dài chiếu rạp lên tới 90 phút”.
Gần đây, kịch bản phim hoạt hình điện ảnh Dưới bóng cây của nhóm tác giả Đoàn Trần Anh Tuấn, Phan Gia Nhật Linh, Đồng Thị Tân Khánh đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Kịch bản phim hoạt hình năm 2021 do Cục Điện ảnh tổ chức, nhưng để hiện thực hóa ước mơ làm phim hoạt hình chiếu rạp, theo NSND Phạm Ngọc Tuấn, đó còn là câu chuyện dài, không chỉ về nguồn vốn mà còn nhiều vấn đề rắc rối khác…
Hiện tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng có nhiều dự án hợp tác gia công với Nhật Bản và các nước. Một trong những điều người nước ngoài hứng thú nhất, chính là kịch bản phim hoạt hình đậm đà văn hóa và yếu tố lịch sử. Ví dụ như LHP 3 châu lục, phía Pháp cũng tìm đến NSND Phạm Ngọc Tuấn và ông giới thiệu nhiều phim thời xưa khiến họ khá thích thú như Ông Gióng hay Truyền thuyết Đam San…
Anime Nhật Bản – Doanh thu “siêu khủng” tới từ đâu?
Ông Kosuke Kishiwara – nhà quảng bá phim hoạt hình Nhật Bản, ngoài việc bày tỏ mong muốn hợp tác với người Việt, còn đem tới góc nhìn tương đối thú vị. Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, năm 2022 Nhật Bản mang về 18,4 tỷ USD từ Anime nhưng nhà nước không chỉ hỗ trợ các chính sách về thuế hay nguồn vốn, mà như ông Kosuke đưa ra thông tin, họ giúp các nhà làm phim đem nhân vật hoạt hình mình sáng tạo ra thêm gần gũi với công chúng. Giả dụ như tổ chức các lớp học cộng đồng về sức khỏe cho trẻ em, với hình ảnh đại diện là những nhân vật ngộ nghĩnh như Doraemon, như vậy trẻ sẽ cảm thấy thích thú và nghe lời hơn.
Đồng ý với quan điểm này, NSND Phạm Ngọc Tuấn phân tích trong trao đổi ngắn với TGĐA: “Người Nhật tạo nhân vật biểu tượng và có bản quyền, từ đó tạo nên một văn hóa riêng biệt, một nền công nghiệp ăn theo như đồ chơi, thời trang, ca nhạc… Tôi nghĩ rằng họ cũng đã đúc kết giá trị kinh doanh khi ra rạp làm một bộ phim dài đi chăng nữa, hay series thì cũng chỉ chiếm 10% giá trị lợi nhuận thôi còn giá trị tiềm ẩn mà tôi vừa đề cập trong ví dụ trên mới thực sự là kinh doanh chiếm 90% lợi nhuận”.
“Chúng ta đủ tự tin với nhân lực Việt Nam!”
Đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực hoạt hình, ông Tạ Mạnh Hoàng – CEO Sconnect Việt Nam không ngần ngại bày tỏ những kinh nghiệm mà bản thân cùng các đồng nghiệp đúc kết suốt nhiều năm qua: “Nguồn nhân lực của chúng ta đã khá mạnh nhưng hiện giờ, tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam nên tiến đến đồng sản xuất. Cần có mô kinh doanh tốt, chứ từng doanh nghiệp làm đơn lẻ thì chắc chắn rất khó!
Hiện chúng tôi đã có network không dưới 100 công ty Việt Nam. Đứng trên góc độ doanh nghiệp thì ngoài chất lượng sản xuất, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cơ hội hợp tác nước ngoài. Cá nhân tôi đánh giá, hoạt động gia công của chúng ta đã tiến tới những giai đoạn quan trọng nhất trong một bộ phim hoạt hình.
Dee Dee Studios, một trong những công ty phim hoạt hình rất nổi bật, tạo thương hiệu rất tốt khi thường xuyên gia công sản xuất những khâu quan trọng trong các bộ phim Mỹ, trong đó có khâu “diễn hoạt” rất khó. Vì vậy, trong tương lai, chắc chắn ngành hoạt hình sẽ phát triển tốt hơn nếu có những nhân sự nước ngoài, chuyên gia hàng đầu tham gia quá trình sản xuất. Sconnect hiện giờ cũng đã có chuyên gia Phillipines hoặc Thổ Nhỹ Kỳ được mời tới để trao đổi trình độ”.
Cũng trong phần chia sẻ của mình, ông Tạ Mạnh Hoàng nhận định: nhờ có những dịp như LHP Quốc tế Đà Nẵng, ông hay bất cứ nhà làm phim nào đã có sự kết nối với những người cùng chí hướng. Được biết, CEO của Sconnect cùng với ông Yoshitaka Sugihara – Giám đốc Chính sách công của Netflix đã đề cập tới cơ hội hợp tác trong tương lai thông qua lần gặp mặt này tại LHP.
Cuối Phiên 3, ông Thái Bảo Long – đạo diễn, biên kịch dựng phim Xưởng phim Én Bạc – Đại học Duy Tân chia sẻ thêm về mô hình đào tạo nhân lực và cung cấp hội việc làm trong ngành hoạt hình. Xưởng phim Én Bạc từng gây tiếng vang với rất nhiều bộ phim, đơn cử như Những cánh én đầu tiên, dự án phim điện ảnh 3D ngắn mang yếu tố phi lợi nhuận, tái hiện trận chiến lịch sử có thật của Không quân Nhân dân Việt Nam, do các bạn sinh viên trường Đại học Duy Tân thực hiện.
Theo ông Long: “Song song với việc đào tạo thì chúng tôi luôn tuyển các bạn sinh viên vào thực tập trong Xưởng phim Én Bạc, cũng như cố gắng hết sức bảo đảm đầu ra, kết nối các bạn sinh viên với các công ty doanh nghiệp, sao cho các bạn ra trường có thể làm đúng ngành đúng nghề”. Theo nhiều đánh giá, chính vì mô hình đào tạo nghiêm túc và đảm bảo chất lượng, các nhân lực trong Xưởng phim Én Bạc như được tiếp thêm nguồn động lực to lớn để làm ra những sản phẩm tốt, bất chấp những khó khăn còn hạn chế về công nghệ hay cách làm phim so với các nước khác.
TỔNG KẾT
Ở phần Tổng kết, T.S Ngô Phương Lan – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam – Đồng Trưởng Ban tổ chức, Giám đốc LHP đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những chuyên gia, các vị khách quý đã không quản ngại thời gian, ở lại Hội thảo tới những phút cuối mặc dù thời gian thảo luận diễn ra tương đối dài.
T.S Ngô Phương Lan cũng bày tỏ vui mừng, bởi thông qua hai Hội thảo của LHP Quốc tế Đã Nẵng, chúng ta phần nào đã hiểu rõ được những tiềm năng, khó khăn và thách thức để điện ảnh Việt được nâng tầm và vươn ra thế giới. LHP Quốc tế Đà Nẵng không chỉ là môi trường tốt để tôn vinh điện ảnh, mà khiến các nhà làm điện ảnh có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ nhiều kinh nghiệm hết sức quý báu.
Bà dẫn chứng thêm rằng, Nhật Bản chỉ có 900 nhà sáng tạo trong lĩnh vực Anime, nhân công/nhân lực rơi vào khoảng hơn 5000. Ở Việt Nam, chính ngay công ty Sconnect đã có đến 1000 nhân lực. Thế nên, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản hoàn toàn rất mạnh, vấn đề là chúng ta sẽ đẩy mạnh sự hợp tác này tới mức nào…?
Anh Vũ – thegioidienanh.vn